Quan hệ Tiền bối - Hậu bối ở Hàn Quốc
Tìm hiểu văn hóa và con người Hàn Quốc với muôn vàn điều thú vị và mới mẻ. Trong đó có mối quan hệ Tiền bối và hậu bối. Nếu sắp đặt chân đến đây thì hãy tìm hiểu ngay nét văn hoá rất được coi trọng này của người Hàn Quốc để không bị bỡ ngỡ khi đến đây học tập và làm việc nhé!
-Danh từ là "선배" (tiền bối) và "후배” (hậu bối), chỉ người học cao hay thấp hơn mình, hoặc là thứ tự vào lớp học, công ty,...
Ở Hàn Quốc mối quan hệ tiền bối - hậu bối (선-후배) không dựa vào độ tuổi. Nghĩa là không phải cứ nhiều tuổi hơn thì được gọi là các sonbae, ít tuổi thì được gọi là hubae. Ai vào trước thì người đó được gọi là tiền bối,và vào sau là hậu bối. Nếu bạn ít tuổi hơn nhưng vào nghề trước bạn vẫn được coi là tiền bối, dù bạn có nhiều tuổi nhưng vào nghề sau cũng chỉ được coi là hậu bối mà thôi.
-Ở Việt Nam cũng có khái niệm đàn anh, đàn em, khóa trên, khóa dưới trong trường học, nhưng thường chỉ dựa vào độ tuổi. Tuy nhiên quan hệ tiền bối - hậu bối ở Hàn Quốc lại khá khắt khe.
Quan hệ tiền bối- hậu bối gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của 2 bên. Như “tiền bối” phải có trách nhiệm nâng đỡ, giúp đỡ cho những thế hệ hậu bối đi sau. Còn trách nhiệm của hậu bối phải luôn luôn lễ phép, nghe lời sai bảo của tiền bối, phải đón bắt thái độ, tâm tư của tiền bối (눈치보다) để có cách hành xử cho đúng. Nhiều khi hậu bối cũng phải mất một khoản “trà thuốc” để phục vụ tiền bối.
Việc hành xử lễ phép, kính trọng với tiền bối được coi là một trong những quy chuẩn đánh giá đạo đức trong xã hội.
Những ngành học có quan hệ tiền bối - hậu bối vững mạnh, đoàn kết sẽ rất phát triển vì thế hệ trước nâng đỡ bảo ban cho thế hệ sau. Người đi trước sẽ có nhiều kinh nghiệm, các mối quan hệ, nhưng nếu họ hoạt động độc lập, “giấu” hết các thông tin hay, các cơ hội tốt thì người đi sau sẽ lại mất một khoảng thời gian tương đương hoặc nhiều hơn để theo kịp người đi trước. Trong nhiều trường hợp, tiền bối không chỉ là người dẫn dắt hậu bối trong công việc, học tập mà còn là người thầy tư vấn cho hậu bối cách ứng xử trong cuộc sống.
Tuy nhiên tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới", tính tôn ti trật tự kiểu rập khuôn, triệt tiêu tinh thần sáng tạo cá nhân cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Dù ở môi trường nào thì ngoài năng lực, sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, cách điều hòa các mối quan hệ xã hội cũng sẽ là các “vũ khí” giúp bạn thành công trong công việc và cuộc sống.